Tác động Công_nghiệp_học_Đại_Khánh

Việc Mao Trạch Đông ban hành Chỉ thị tối cao "Công nghiệp học Đại Khánh" vào thập niên 1960 phản ánh tầm quan trọng của Đại Khánh trong lịch sử công nghiệp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[3] Công nghiệp học Đại Khánh là một khẩu hiệu trong Cách mạng Văn hóa kêu gọi người dân lấy thành phố này làm điển hình cho sản xuất công nghiệp.[3][4] Bộ phim Sáng nghiệp (创业), được thực hiện vào đầu thập niên 1970, là một tác phẩm văn học tái hiện lịch sử của Đại Khánh. Trong thời kỳ này, đối tác nông nghiệp của Đại Khánh là Đại Trại, một ngôi làng thuộc huyện đồi núi Tích Dương, tỉnh Sơn Tây, nơi Mao Chủ tịch đã phát động phong trào "Nông nghiệp học Đại Trại" cũng vào thập niên 1960.[5]

Tại kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa III diễn ra vào tháng 12 năm 1964, Báo cáo công tác Chính phủ của Thủ tướng Chu Ân Lai đã tổng kết và biểu dương riêng kinh nghiệm của Đại Khánh và Đại Trại, kêu gọi "công nghiệp học Đại Khánh, nông nghiệp học Đại Trại".[2] Phong trào "công nghiệp học Đại Khánh, nông nghiệp học Đại Trại" bắt đầu từ giữa thập niên 1960 được dấy lên toàn quốc. Trung Quốc lúc này đang bị phương Tây phong tỏa toàn diện, để duy trì độc lập, Chính phủ Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ kinh tế với Liên Xô và Ủy ban Hỗ trợ Kinh tế, vừa thoát khỏi "ba năm khó khăn", nền kinh tế quốc dân vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, môi trường quốc tế vô cùng khắc nghiệt, nhưng với tinh thần và bằng hành động thiết thực, người dân Đại Khánh và Đại Trại đã cổ vũ nhân dân Trung Quốc, trở thành tấm gương xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tinh thần tự lực cánh sinh của Đại Khánh và Đại Trại vừa là tinh thần thời đại, vừa thể hiện truyền thống lịch sử phấn đấu gian khổ vì đất nước giàu mạnh của nhân dân Trung Quốc.[2]